5/6/2024 8:40:00 AM
.

Chế định về bảo hộ nhãn hiệu mùi hương: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam


Nhãn hiệu mùi hương là một trong những loại nhãn hiệu phi truyền thống, đã được quy định bảo hộ trong các điều ước quốc tế của nhiều quốc gia. Việt Nam cần phải kịp thời có những nghiên cứu và đề xuất giải pháp sửa đổi khắc phục những hạn chế về nhãn hiệu sao cho phù hợp.

Khái quát về nhãn hiệu mùi hương

Theo quy định tại Điều 15 Mục 2 Hiệp định về Các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS) thì bất kỳ một dấu hiệu hoặc tổ hợp các dấu hiệu nào, có khả năng phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của một doanh nghiệp với hàng hóa hoặc dịch vụ của các doanh nghiệp khác, đều có thể làm nhãn hiệu hàng hóa. Từ đây có thể hiểu rằng nhãn hiệu không chỉ dừng lại ở nhãn hiệu nhìn thấy được dưới các dạng chữ cái, từ ngữ và hình vẽ mà còn được bảo trợ bởi những dấu hiệu không nhìn thấy được chẳng hạn như dấu hiệu mùi hương, dấu hiệu âm thanh,...

Khái quát, nhãn hiệu mùi hương là những dấu hiệu riêng biệt và được cảm nhận thông qua khứu giác để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của nhà sản xuất với các nhà sản xuất khác. Dấu hiệu mùi hương được đánh giá là có khả năng phân biệt tốt nhất trong các loại nhãn hiệu vì nó có thể tác động được tới hầu hết người tiêu dùng, ngay cả với người khiếm thị (không nhận tác động bởi nhãn hiệu hữu hình) và người khiếm thính (không tác động được bằng nhãn hiệu âm thanh).

Một số ví dụ về nhãn hiệu mùi hương lần đầu tiên được biết đến tại Mỹ vào năm 1990 với các đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu  mùi quả mâm xôi cho nhiên liệu động cơ (Công ty Myles Limited), mùi hương là nhãn hiệu mùi hương của quả nho được đăng ký nhãn hiệu số 258668512 tại Hoa Kỳ cho chất bôi trơn và nhiên liệu động cơ cho xe cộ, máy bay và tàu thủy, mùi kẹo cao su của sản phẩm giày dép (Công ty Grendene S.A), mùi cherry, mùi nho và mùi dâu tây cho dầu nhờn xe (Công ty DBA Manhattan Oil)...

Quy định về bảo hộ nhãn hiệu mùi hương của một số quốc gia trên thế giới

Trong Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên nhân ngày Sở hữu Trí tuệ Thế giới diễn ra tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nhóm tác giả đã lựa chọn phân tích quy định trong việc bảo hộ nhãn hiệu mùi hương của pháp luật Hoa Kỳ và EU – những quốc gia, khu vực trên thế giới tiên phong và có những tiến bộ nhất định trong việc bảo hộ nhãn hiệu mùi hương để từ đó có thể tiếp thu những kinh nghiệm có giá trị nhằm hoàn thiện hơn nữa pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam trong vấn đề bảo hộ nhãn hiệu mùi hương nói riêng và nhãn hiệu phi truyền thống nói chung.

Hoa Kỳ là một trong những quốc gia tiên phong trong việc chấp nhận bảo hộ các dấu hiệu phi truyền thống trong pháp luật của mình. Hoa Kỳ đã ban hành Luật nhãn hiệu hàng hóa ngày 05/07/1946, có hiệu lực từ 06/07/1946 (“Đạo luật Lanham”), được sửa đổi nhiều lần. Tại Đạo luật Lanham,tất cả dấu hiệu nào thỏa mãn khả năng phân biệt được hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của chủ thể kinh doanh này với hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của chủ thể kinh doanh khác đều sẽ được coi là nhãn hiệu. Trên thực tế, nhãn hiệu mùi đầu tiên được bảo hộ tại Hoa Kỳ là nhãn hiệu “mùi hoa đại” (Plumeria Blossoms) cho sản phẩm sợi và chỉ thêu từ 1990 của Clarke.

Hiện nay, theo tinh thần pháp luật sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ một mùi hương có khả năng được bảo hộ nhãn hiệu sẽ phải đáp ứng ba điều kiện: i) dấu hiệu mùi hương phải được sử dụng như một nhãn hiệu gắn liền với một sản phẩm; ii) dấu hiệu mùi hương muốn được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu phải có khả năng phân biệt và mang tính phi chức năng; iii) dấu hiệu mùi hương trên không được gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu khác.
Trên thực tế, điều kiện sử dụng mùi hương như một nhãn hiệu gắn với một sản phẩm và điều kiện không gây nhầm lẫn là các điều kiện bảo hộ áp dụng chung cho các loại nhãn hiệu. Điều kiện bảo hộ còn lại, có khả năng phân biệt và có tính phi chức năng, có sự bắt nguồn từ những học thuyết mang tính lý luận của Hoa Kỳ. Học thuyết chức năng của Hoa Kỳ chỉ ra rằng, một dấu hiệu mùi hương sẽ không được bảo hộ nếu có tính chức năng. Điều này đồng nghĩa với việc một dấu hiệu mùi hương sẽ bị từ chối bảo hộ nếu mùi này trùng với mùi tự nhiên của sản phẩm và người tiêu dùng quyết định sử dụng sản phẩm dựa trên chính mùi hương của sản phẩm đó. Việc quy định điều kiện bảo hộ mùi hương thể hiện tính phi chức năng là một quy định phù hợp với thực tiễn bởi nếu bảo hộ mùi hương có tính chức năng sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới cạnh tranh trên thị trường bởi các nhà sản xuất khác không thể sản xuất được những sản phẩm mang những đặc tính mùi hương mà người tiêu dùng cần do mùi hương đó đã được bảo hộ độc quyền.

Khác với Hoa Kỳ, trong vấn đề bảo hộ nhãn hiệu mùi hương, EU tập trung hơn vào việc xem xét thẩm định hình thức. Trước đây, Luật Nhãn hiệu EU yêu cầu hồ sơ đăng ký nhãn hiệu phải có bản mô tả nhãn hiệu bằng đồ họa. Tuy nhiên, một cách khách quan, có thể đánh giá rằng việc mô tả một mùi hương dưới dạng đồ họa, bản vẽ, hay thể hiện nó dưới một phương tiện, ký hiệu, mã màu… là một việc không hề đơn giản. Luật Nhãn hiệu EU 2015 (“EUTMD”) đã xóa bỏ yêu cầu bắt buộc cung cấp bản mô tả nhãn hiệu bằng đồ họa. EUTMD đã cho phép chủ đơn thể hiện nhãn hiệu dưới bất kỳ hình thức nào phù hợp, có thể dưới các phương tiện khác không phải bản mô tả đồ họa, với điều kiện phải có khả năng phân biệt đồng thời giúp cho cơ quan có thẩm quyền xác định được chính xác và rõ ràng đối tượng cần bảo hộ. Như vậy, tại EU, chủ đơn đăng ký nhãn hiệu mùi sẽ phải có phương thức để thể hiện được đối tượng mùi hương mà mình muốn được bảo hộ.

Có thể thấy, các yếu tố hình thức – nội dung hay các tiêu chí đánh giá, điều kiện bảo hộ nhãn hiệu mùi tại Hoa Kỳ hay EU đều có thể được xem xét ghi nhận trong hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Một số kiến nghị nhằm xây dựng pháp luật Việt Nam về hoạt động bảo hộ nhãn hiệu mùi hương

Từ nhu cầu thực tiễn cùng kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, nhóm tác giả đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu Việt Nam cần phải kịp thời có những nghiên cứu và đề xuất giải pháp sửa đổi khắc phục những hạn chế của LSHTT, đặc biệt là pháp luật SHTT về nhãn hiệu sao cho phù hợp.

Thứ nhất, điều chỉnh các quy định về nhãn hiệu thực hiện các cam kết của Việt Nam về bảo hộ nhãn hiệu mùi hương. Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế đa phương và song phương, và những điều ước này đều có điều khoản quy định liên quan đến vấn đề bảo hộ nhãn hiệu mùi hương. Tuy nhiên, các nước thành viên được khuyến khích nên có một cơ chế, bộ khung pháp lý về pháp luật bảo hộ nhãn hiệu mùi hương, do đây là một nhu cầu cấp thiết nhằm đáp ứng xu thế phát triển chung của pháp luật nhãn hiệu cũng như thị trường thương mại quốc tế. Việt Nam cần nỗ lực nghiên cứu để thay đổi hệ thống quy phạm pháp luật về Sở hữu trí tuệ nói chung và bảo hộ nhãn hiệu nói riêng của mình, sớm đưa ra được một bộ khung pháp lý cụ thể đối với việc bảo hộ nhãn hiệu mùi hương trong tương lai. Qua đó, thực hiện và nội luật hóa những cam kết của mình khi tham gia các điều ước quốc tế.

Thứ hai, bổ sung quy định rõ ràng và cụ thể về các tiêu chí xác định khả năng phân biệt của các dấu hiệu thông qua quá trình sử dụng. Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu đều chấp nhận khả năng phân biệt của nhãn hiệu qua quá trình sử dụng, tuy nhiên 2 quốc gia này chưa thực sự tận dụng tốt các cơ chế bởi vì chưa có tiêu chí hướng dẫn cụ thể nào trong đánh giá phân biệt qua quá trình sử dụng. Pháp luật Việt Nam có thể đưa ra các tiêu chí để đánh giá tính phân biệt của một nhãn hiệu, chứ không chỉ đưa ra các dấu hiệu không có khả năng phân biệt như theo quy định hiện nay. Việc chứng minh tính phân biệt của sản phẩm dịch vụ qua thời gian sử dụng thực tế: số lượng khách hàng, sự nhận biết khác biệt về nhãn hiệu cũng là điều cần thiết. Ngoài ra các quy định và các tiêu chí này cần cụ thể giúp người đầu tư chủ động trong quá trình chuẩn bị tài liệu nhằm chứng minh dấu hiệu sử dụng nhãn hiệu cũng như giúp SHTT có căn cứ chính giác trong việc đánh giá. Khả năng phân biệt của nhãn hiệu mùi hương có thể là khả năng tự phân biệt, khả năng phân biệt thông qua sử dụng hoặc thậm chí là trường hợp dấu hiệu mùi hương chỉ mang chức năng mô tả nhưng có ý nghĩa thứ cấp.

Thứ ba, Quy định rõ yêu cầu về hình thức thể hiện của nhãn hiệu mùi hương. Vì nhãn hiệu mùi không phải là vật thể vật lý cách nhận biết của chúng thường khác biệt so với nhãn hiệu truyền thống khác. Do đó khi Việt Nam phát triển quy định về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu mùi hương bất kỳ hình thức nào có thể truyền đạt và lưu giữ được mùi thì đều có thể chấp nhận. Hình thức thể hiện nhãn hiệu mùi đóng vai trò quan trọng trong quá trình thẩm định hình thức và nội dung , các dấu hiệu mùi hương là mùi hương tự nhiên của sản phẩm, mùi hương che giấu chức năng và mùi hương phổ biến trong hoạt động thương mại sẽ là mùi hương không có khả năng phân biệt và vì vậy sẽ không được bảo hộ là nhãn hiệu mùi hương.

Thứ tư, hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật và đào tạo, phân bổ nguồn nhân lực trong thẩm định nhãn hiệu đặc biệt là nhãn hiệu không nhìn thấy được như mùi hương. Với những thách thức đặt ra bởi tính phức tạp của mùi hương cần  áp dụng công nghệ hiện đại mới có thể giải quyết khó khăn trong quá trình nộp đơn đăng ký nhãn hiệu mùi. Do đó Việt Nam cần tích cực khuyến khích việc phát triển, sáng tạo và áp dụng các khoa học kĩ thuật trong quá trình thẩm định. Thể hiện nhãn hiệu mùi hương trong hồ sơ đăng ký cũng như thu thập dữ liệu mùi hương thông qua công nghệ kỹ thuật số. Ngoài ra, Việt Nam cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực, trong đó quá trình xem xét đơn đăng ký cơ quan đăng ký nhãn hiệu phải thực hiện các bước thẩm định hình thức và nội dung xác định phạm vi bảo hộ.

Việc bảo hộ nhãn hiệu mùi là xu hướng phát triển tất yếu của hệ thống pháp luật SHTT hiện nay, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Bởi lẽ đó, Việt Nam thực sự cần thiết xây dựng những quy định riêng về bảo hộ nhãn hiệu mùi. Hơn nữa cũng cần xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp, xung đột về nhãn hiệu chuyên biệt, chất lượng và hiệu quả.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ - Link gốc)
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn